Hệ thống giáo dục Mỹ – Bạn cần biết gì để du học Mỹ thành công?

Hệ thống giáo dục Mỹ thường được biết đến với sự tiến bộ và cũng không kém phần đa dạng. Sự phong phú về trường học, chương trình học và địa điểm là một điểm cộng khá lớn khi nó có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau, học sinh trong nước cũng như du học sinh. Tuy nhiên, cũng chính vì sự đa dạng đó lại khiến cho người học khó nắm bắt, hiểu rõ được mong muốn của mình, cũng như khó đưa ra được quyết định phù hợp. Vì thế, điều quan trọng nhất khi bắt đầu lựa chọn trường học để du học Mỹ chính là tìm hiểu thật kỹ về hệ thống giáo dục Mỹ.
Hãy cùng Shunny Education tìm hiểu về hệ thống giáo dục Mỹ qua bài viết dưới đây nhé!

Hệ thống giáo dục Mỹ

BẬC TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC

Bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục Mỹ là Bậc Tiểu học và Trung học kéo dài 12 năm từ lớp 1 đến lớp 12 với bậc học đầu tiên bắt đầu từ năm 5-6 tuối. Nhìn chung, chương trình tiểu học và trung học của Mỹ cũng có nhiều nét khá tương đồng so với Việt Nam khi cũng có ba cấp bậc: tiểu học (Elementary/ Primary School), trung học cơ sở (Middle School) và trung học phổ thông (High school). Đây là một điểm cộng dành cho những ai đang quan tâm đến du học Mỹ vì bạn sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn khi tiếp cận với hệ thống giáo dục khá tương đồng tại đây.
Bậc Tiểu học kéo dài từ lớp 1 đến lớp 5, không khác biệt là mấy so với Việt Nam. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định du học bậc Trung học thì cần chú ý điểm đặc biệt là Trung học cơ sở sẽ chỉ bao gồm từ lớp 6 đến lớp 8 mà thôi, còn Trung học phổ thông lại bắt đầu từ lớp 9 và kéo dài đến lớp 12. Đây là điểm khác biệt đầu tiên mà du học sinh và phụ huynh cần lưu ý trước khi chọn trường đi du học Mỹ. Sau khi hoàn thành xong bậc trung học phổ thông, học sinh mới được nhận bằng tốt nghiệp.
Thông thường, phụ huynh quốc tế gửi con em mình đến du học Mỹ nhiều nhất từ năm lớp 11, 12 để chuẩn bị lên Đại học. Học sinh sau khi tốt nghiệp trung học có thể nộp hồ sơ để được học lên Cao đẳng/Đại học.
Đối với hệ thống giáo dục Mỹ, năm học thường bắt đầu vào tháng Tám/ tháng Chín và tháng Năm/ tháng Sáu. Cũng như Việt Nam, phần lớn học sinh tại đây, kể cả học sinh quốc tế, thường chọn học kỳ mùa thu để bắt đầu nhập học.
Có thể nói, điểm đặc biệt của hệ thống giáo dục Mỹ không chỉ nằm ở việc sắp xếp các cấp lớp mà còn nằm ở chương trình học. Đây cũng chính là điểm cộng thứ hai cho việc du học Mỹ. Khác với Việt Nam, từ bậc trung học, học sinh tại Mỹ đã có thể tự lựa chọn lớp cũng như môn học phù hợp với bản thân bên cạnh các môn bắt buộc như English/Literature (Văn học) và Mathematics (Toán học). Điều này giúp cho học sinh không bị gò bó, mà có thể phát triển và hoàn thiện bản thân theo một định hướng nhất định.
Sau khi hoàn thành và nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh có thể lựa chọn học lên Đại học hoặc Cao đẳng, hay còn gọi là Giáo dục bậc cao.

GIÁO DỤC BẬC CAO

Giáo dục bậc cao tại Mỹ bao gồm các bậc học: Đại học – Cao đẳng, Thạc sĩ, Tiến sĩ và nghiên cứu sau Tiến sĩ.

Đại học – Cao đẳng (University – College)

Có thể nói, giáo dục đại học tại Mỹ đi theo triết lý là giáo dục toàn diện. Điều này có nghĩa rằng dù bạn có định hướng du học Mỹ với con đường học tập như thế nào, bạn đều sẽ được tiếp xúc với toàn diện một loạt các khóa học trong các ngành khoa học xã hội, nhân văn, ngôn ngữ và khoa học tự nhiên.
Văn bằng đại học của Mỹ được gọi là bằng cử nhân. Thông thường, những khóa học cử nhân có độ linh hoạt cao và cho phép sinh viên vạch ra con đường học tập (study plan) cho riêng bản thân mình. Chính điều này sẽ giúp sinh viên dễ dàng theo dõi và điều chỉnh việc học của mình cho phù hợp với định hướng của bản thân. Tuy nhiên, sinh viên vẫn cần phải đạt một số giờ tín chỉ nhất định (khoảng từ 130 đến 180 tín chỉ) để có thể được cấp bằng và thời gian này thường kéo dài 4 năm học.
Hầu hết các chương trình cấp bằng cử nhân cho các ngành học tại Mỹ gồm bốn loại khóa học: khóa học cốt lõi, chuyên ngành chính, chuyên ngành phụ và các khóa học tự chọn.
Như đã nói, giáo dục Mỹ là giáo dục toàn diện. Vì thế, hai năm đầu tiên bạn sẽ được tiếp xúc với rất nhiều khóa học cơ bản (hay còn gọi là khóa học cốt lõi) khác nhau như: văn học, khoa học, khoa học xã hội, nghệ thuật, lịch sử và nhiều môn học khác. Hãy tưởng tượng xem bạn có thể tích lũy cho mình một nền tảng kiến thức chung phong phú có thể bổ trợ cho các môn học chính sau này của bạn thì thật tuyệt vời phải không nào!
Đối với hai năm học đầu tiên này, nhiều sinh viên lựa chọn học tại các trường cao đẳng cộng đồng, sau đó sẽ lấy bằng chuyển tiếp Associate of Arts (AA) và rồi lên đại học hoặc cao đẳng hệ 4 năm.
Chuyên ngành chính của bạn là ngành mà bạn chọn tập trung nghiên cứu và chiếm từ 25 phần trăm và 50 phần trăm tổng số các khóa học để lấy bằng cử nhân của bạn. Nếu như chuyên ngành chính của bạn là Marketing, bạn sẽ phải tham gia một vài khóa học bắt buộc cho ngành học này để đáp ứng được yêu cầu đầu ra của nó. Bạn sẽ có cơ hội lựa chọn chuyên ngành chính khi bắt đầu bước vào năm học thứ ba.
Điều đáng nói ở đây chính là bạn có thể thay đổi ngành học của mình bất cứ lúc nào. Nếu bạn đang học về Marketing và nhận ra hứng thú của mình lại tập trung chủ yếu ở Finance thì bạn có thể thoải mái thay đối. Và chỉ cần một lưu ý nhỏ chính là việc thay đổi ngành học cũng đồng nghĩa với việc bạn phải học nhiều môn hơn, tốn nhiều thời gian và chi phí hơn mà thôi. Đối với du học sinh Mỹ mà nói thì đây chính là những vấn đề bạn cần lưu tâm khi quyết định thay đổi ngành học của mình.
Chuyên ngành phụ của bạn là chuyên ngành học tập trung lớn thứ hai. Số lượng tín chỉ của nó thường bằng một nửa số tín chỉ của chuyên ngành chính. Nếu bạn du học và quyết định học song ngành, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ tốn thêm 1-2 học kỳ nữa để hoàn thành chuyên ngành phụ của mình đấy!
Các khóa học tự chọn có thể được lựa chọn học ở bất kỳ một khóa nào và bao gồm số tín chỉ cần thiết còn lại để tốt nghiệp.
Tương tự như hệ thống học theo tín chỉ tại Việt Nam, ngoài các lớp bắt buộc cho chuyên ngành, du học sinh tại đây có thể tự lựa chọn cho mình lớp học, giờ học và giảng viên phù hợp với yêu cầu, sở thích và lịch trình của bản thân.
Một sinh viên có quyền học nhiều ngành, nhưng đại đa số đều học nhiều nhất là 2 ngành (vẫn tốt nghiệp sau 4 năm) và một số ít khác chọn 3 ngành (tốt nghiệp trễ từ 1 đến 2 học kỳ).
Đại học/Cao đẳng chuyên nghiệp ở Mỹ không giới hạn tuổi. Sẽ không có gì là lạ khi trong trường có sinh viên 30, 40, hay 50 tuổi.

Thạc sĩ (Master)

Đối với du học Mỹ, sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân có thể tiếp học học lên Thạc sĩ để nâng cao trình độ và phát triển nghề nghiệp của mình. Du học Thạc sĩ tại Mỹ là cần thiết đối với một số vị trí quản lý hay đòi hỏi tính học thuật cao như khoa học thư viện, kỹ thuật, hành vi sức khỏe và giáo dục,…
Các khóa học Thạc Sĩ có thời gian học ít hơn so với bậc Cử nhân, thường chỉ kéo dài từ 1 đến 2 năm. Sau khi hoàn thành, tùy vào ngành học mà bạn sẽ được cấp tấm bằng Master phù hợp.
Chương trình cao học thường do một phòng ban ở trường đại học quản lý riêng, có trường thậm chí còn có trường cao học riêng. Để được nhận học, ứng viên cần có điểm GRE (Graduate Record Examination) hoặc GMAT (Graduate Management Admission Test) cho các trường đào tạo kinh doanh, quản lý và phần lớn các lĩnh vực khác, LSAT  (Law School Admission Test) cho các trường luật và MCAT (Medical College Admission Test) cho trường Y….
Hầu hết các chương trình Thạc sĩ đều được giảng dạy trong lớp, riêng một số ngành học nhất định có thể yêu cầu sinh viên đi thực tập trong thời gian theo học (đối với chương trình 1 năm) hoặc trong hè (đối với chương trình 2 năm), hoặc phải đứng lớp hoặc phải làm trợ giảng thì mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Tuy nhiên, điều kiện chung nhất vẫn là sinh viên cao học cần phải viết bài nghiên cứu gọi là “luận văn thạc sĩ” hoặc hoàn thành một “đề án thạc sĩ” vào cuối chương trình học.

Tiến sĩ (Doctor of Philosophy – PhD)

Ở Mỹ, hầu như các trường đều yêu cầu bằng Thạc sĩ là điều kiện cần để bạn có thể tiếp tục học lên và lấy bằng Tiến sĩ (trừ một số trường nhất định). Sauk hi có bằng Thạc sĩ, thường thì sinh viên sẽ chọn đi làm từ 1 đến 2 năm trước để lấy kinh nghiệm hoặc để có đủ tiền học cho khóa học Tiến sĩ này. Việc học lên Tiến sĩ ở một trường mới cũng rất phổ biến, tuy nhiên nếu chọn học ở trường cũ thì sinh viên được nhiều lợi hơn (quen biết giảng viên, hiểu về phòng ban của chuyên ngành, được xét thẳng mà không cần nộp lại hồ sơ, …)
Du học Tiến sĩ tại Mỹ đòi hỏi sinh viên phải dành nhiều thời gian hơn hẳn khóa học Thạc sĩ bởi vì nó cần tới ít nhất 4 năm để nghiên cứu. Quả là một con số không hề nhỏ. Không chỉ thế, đối với sinh viên quốc tế, thời gian này có thể kéo dài lên đến 5, 6 năm. Vì vậy, khi quyết định học Tiến sĩ tại Mỹ, bạn cần cân nhắc về thời gian cũng như khả năng tài chính của bản thân mình.
Trong hai năm đầu của chương trình, hầu hết sinh viên sẽ theo học một vài môn, đứng lớp và dự các hội thảo. Sau đó, dành ít nhất một năm để nghiên cứu và viết luận văn. Bài nghiên cứu này cần thể hiện quan điểm riêng, được thiết kế hoặc nghiên cứu mới chưa được phát hành trước đây. Để tốt nghiệp và lấy bằng Tiến sĩ, sinh viên không chỉ cần có ít nhất 1 đến 2 bài nghiên cứu (publication) được giới chuyên môn công nhận và phát hành mà còn phải có khả năng đọc hiểu 2 ngôn ngữ và dành phần lớn thời gian “tại một nơi” để vượt qua kỳ thi đầu vào chương trình và buổi bảo vệ đề tài tiến sĩ (điều kiện thứ hai chỉ áp dụng đối với một số trường nhất định).
Không giống như Đại học, việc chuyển ngành cũng như chuyển trường khi đang theo học Tiến sĩ khá là phức tạp, phải qua rất nhiều quy trình. Sinh viên phải nêu rõ trong hồ sơ về lý do muốn chuyển trường, các khó khăn sinh viên gặp phải ở môi trường cũ, và chứng minh khả năng bản thân có thể vượt qua các khó khăn ở môi trường mới. Không chỉ có thế, các trường đôi khi không chấp nhận tín chỉ và công việc nghiên cứu ở trường cũ, do đó sinh viên sẽ phải bỏ thêm ít nhất 1 đến 2 năm nữa để được lấy bằng. Vì vậy, quyết định chuyển trường khi đang theo học Tiến sĩ không hề đơn giản, cần bạn phải cân nhắc về thời gian và chi phí bỏ ra của mình.
Đa số các sinh viên học Tiến sĩ đều có học bổng từ trường hoặc tổ chức nhà nước.

Nghiên cứu sau Tiến sĩ (Post Doc)

Sau khi kết thúc và nhận được bằng Tiến sĩ, một số bạn lại chọn tiếp tục làm nghiên cứu để được học hỏi và sáng tạo. Cấp độ này gọi là Post Doc – nghiên cứu sau Tiến sĩ. Thời gian làm nghiên cứu sinh tùy thuộc vào từng ngành, trường, giảng viên cố vấn, …)
Đa số các nghiên cứu sinh đều được hỗ trợ kinh phí bởi nhà trường hoặc các tổ chức, công ty liên quan.

CÁC LOẠI HÌNH GIÁO DỤC BẬC CAO

Trường Cao đẳng và Đại học Công lập (Public College/university)

Các trường này được bang hỗ trợ và điều hành bởi chính quyền địa phương hoặc bang. Mỗi bang trong số 50 bang của Mỹ có ít nhất một trường đại học công lập và nhiều trường cao đẳng bang.
Nhiều trong số các trường đại học công lập này có tên của bang, hoặc từ “bang” trong tên trường: ví dụ, Trường Đại Học bang Washington và Trường Đại Học Michigan.

Trường Cao đẳng và Đại học Tư (Private College/ University)

Các trường này được tư nhân đầu tư và điều hành thay vì chính quyền địa phương hoặc bang. Học phí của các trường này thường sẽ cao hơn so với trường công lập và cũng có quy mô nhỏ hơn.
Có nhiều trường tư là các trường liên kết với tôn giáo. Và trong số đó có một số trường muốn tiếp nhận học sinh theo học có cùng tôn giáo với trường. Cũng có nhiều trường tư chỉ tiếp nhận sinh viên nữ hoặc nam.

Trường Cao đẳng Cộng đồng (Community College)

Đối với nhiều sinh viên quốc tế, học tập tại một trường cao đẳng cộng đồng sẽ là một bước đệm cần thết để bước vào bậc giáo dục đại học. Đôi khi chúng được gọi là trường cao đẳng cấp thấp hoặc cao đẳng hai năm, các trường này vừa đào tạo cả nghề lẫn kỹ thuật, cho phép sinh viên tham gia ngay vào lực lượng lao động trong các nghề như kỹ thuật ô tô, thiết kế nội thất, nuôi dạy trẻ, khoa học thực phẩm, nhiếp ảnh, … và cũng vừa cung cấp chương trình học thuật. Sinh viên tốt nghiệp CĐCĐ phần lớn sẽ chuyển tiếp lên Đại học hoặc Cao đẳng chuyên nghiệp hệ 4 năm và chỉ phải học 2 năm ở bậc ĐH-CĐ.
Trường CĐCĐ hệ hai năm có cấp bằng Associate và các chứng chỉ. Có các loại bằng Associate khác nhau, nhưng điều quan trọng là loại bằng đó có thể chuyển tiếp được hay không. Vì vậy, thường thì có hai loại bằng chính: bằng chuyển tiếp lên đại học và chứng chỉ giúp sinh viên bắt đầu làm việc. Bằng chuyển tiếp lên đại học phần lớn là AA (xã hội nhân văn) và AS (khoa học). Bằng không chuyển tiếp là bằng khoa học ứng dụng hoặc chứng nhận hoàn thành chương trình.
Có hơn 1.200 trường cao đẳng cộng đồng tại Mỹ và nhiều trường là trường công hoặc được tiểu bang hỗ trợ. Sinh viên quốc tế phải nộp toàn bộ học phí tại cao đẳng cộng đồng, tuy nhiên mức học phí ở đây thường ít hơn đáng kể so với ở một trường đại học bốn năm trong cùng một khu vực.

Học viện Công nghệ (Technology Institute)

Các học viện Công nghệ là các trường Đại học hệ 4 năm chuyên về khoa học và công nghệ. Một số trường có chương trình cao học, thạc sĩ hoặc có các khóa đào tạo ngắn hạn.

Kết

Hệ thống giáo dục Mỹ phức tạp là thế nhưng lại là một hệ thống giáo dục toàn diện, giúp bạn có thể phát triển mọi mặt cũng như khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của chính bản thân mình. Nếu bạn có nhu cầu cũng như mong muốn đi du học Mỹ, đừng quên rằng hãy tìm hiểu thật kỹ về giáo dục, đất nước cũng như con người tại nơi đây nhé!
 
Để biết thêm các thông tin khác về du học Mỹ, hãy truy cập:
5 điều bạn nên biết trước khi lên đường sang Mỹ du học
Hướng dẫn trả lời phỏng vấn visa du học Mỹ
Mọi thông tin tư vấn vui lòng liên hệ Shunny Education

  • 2 Park st, NSW 2000, Sydney, Australia
  • 534C Lê Văn Sỹ, P.14 Q3, TP.HCM
  • 36B Đường 9, TTF361 An Dương, Yên Thụ, Tây Hồ, Hà Nội

Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí với Shunny ngay hôm nay bạn nhé
Số điện thoại:
+61 421 166 014
+84 28 730 39 588
Email: team@shunnyeducation.com

Trả lời

Tìm cửa hàng
Gọi trực tiếp
Chat ngay
Chat trên Zalo
Chat trên Messenger
Chat trên Viber
Bạn cần tư vấn?